Liên Hợp quốc khuyến khích tất cả các quốc gia và địa phương cùng nhau hành động để chống lại ô nhiễm rác thải nhựa.

anh-minh-hoa-nguon-intern.jpg (200 KB)

Tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) lựa chọn chiến dịch năm 2019 với chủ đề “Hành động địa phương, tác động toàn cầu”, trong đó tập trung chính vào vấn đề giảm thiểu, chống ô nhiễm rác thải nhựa. Đây là nội dung thiết thực, cấp bách trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm do rác thải nhựa.

“Bảo vệ môi trường là vấn đề sống còn của nhân loại, là nhiệm vụ của mỗi người. Hãy bắt đầu từ những hoạt động bảo vệ môi trường tại chính nơi sinh sống của chúng ta, sẽ có tác động lan tỏa đến toàn cầu, làm cho thế giới sạch hơn” - đó là thông điệp được Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân gửi đến lễ phát động quốc gia hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2019.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề có tính liên vùng, xuyên biên giới. Giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và từng người dân Việt Nam trong nỗ lực chung của khu vực và toàn cầu.

Một trong những hành động cụ thể được Bộ TN&MT phát động là, các cấp, ngành, cơ quan đơn vị, doanh nghiệp và cộng đồng không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần tại các cơ quan, đơn vị; phát động phong trào thu gom, phân loại các sản phẩm dùng từ nhựa, bao bì, túi ni lông và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định...

Các cấp, các ngành cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa, túi nilon đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người; xây dựng các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tiêu thụ, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa đến cộng đồng và người dân.

Bộ TN&MT cũng đề nghị các doanh nghiệp, siêu thị, chợ, trung tâm thương mại sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Đặc biệt, mỗi người đều có thể tham gia hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn bằng những việc làm thật đơn giản như phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải, sử dụng tiết kiệm nguyên nhiên liệu; cùng tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường xung quanh gia đình, cơ quan, đường phố..; trồng thêm nhiều cây xanh; tuyên truyền, vận động mọi người trong gia đình, cơ quan, cộng đồng cùng có ý thức bảo vệ môi trường, đồng thời lên án những hành vi gây ô nhiễm môi trường, thói quen sử dụng lãng phí tài nguyên, năng lượng.../.

Nguồn: TNMT