UNG THƯ CỔ TỬ CUNG VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT?
Tổng hợp và viết bài: TS. Đào Thị Thanh Hiền – R&D Manager
Tại Việt Nam, mỗi năm có đến hơn 5.100 trường hợp ung thư cổ tử cung mắc mới và đã có khoảng 2.400 phụ nữ chết vì căn bệnh này. Hiện nay, ung thư cổ tử cung là căn bệnh gây chết người thứ 2 trong các loại ung thư mà phụ nữ mắc phải. Trên thế giới có 630 triệu người bị nhiễm virus HPV. Mỗi ngày, 750 phụ nữ (trong đó tại châu Á, hơn 400 phụ nữ) chết vì nó. Đây là những con số được báo cáo tại Hội thảo về vắc-xin phòng ngừa các bệnh do vi rút HPV gây ra (diễn ra vào ngày 24/7/2021, tại TP. Hồ Chí Minh).
Vậy ung thư cổ tử cung là gì?
Ung thư cổ tử cung xảy ra khi các tế bào cổ tử cung (nơi kết nối tử cung và âm đạo) của phụ nữ bị biến đổi. Ung thư này có thể ảnh hưởng đến các mô sâu hơn của cổ tử cung và có thể di căn sang các bộ phận khác của cơ thể như phổi, gan, bàng quang, âm đạo và trực tràng.
Hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung là do nhiễm vi rút u nhú ở người (HPV), vi rút này có thể phòng ngừa được bằng vắc xin. FDA đã phê duyệt Gardasil cho nam và nữ tuổi từ 9 đến 26. Nó bảo vệ chống lại hai chủng HPV gây ra 70% trường hợp ung thư cổ tử cung và hơn 50% tổn thương tiền ung thư ở cổ tử cung, âm hộ và âm đạo. Gardasil cũng bảo vệ chống lại các loại HPV có liên quan đến hơn 90% các trường hợp mụn cóc sinh dục.
Ung thư cổ tử cung thường phát triển chậm, vì vậy nên tầm soát để phát hiện sớm và điều trị trước khi nó gây ra các vấn đề nghiêm trọng. Phụ nữ từ 35 đến 44 tuổi dễ mắc ung thư cổ tử cung nhất. Tuy nhiên, hơn 15% trường hợp mắc mới là ở phụ nữ trên 65 tuổi và đặc biệt là những người không đi khám sàng lọc thường xuyên.
Các yếu tố nguy cơ ung thư cổ tử cung bao gồm:
- Bắt đầu quan hệ tình dục trước 16 tuổi hoặc trong vòng một năm kể từ lần có kinh nguyệt đầu tiên
- Có nhiều bạn tình
- Uống thuốc tránh thai, đặc biệt là trong thời gian dài hơn 5 năm
- Hút thuốc lá
- Có một hệ thống miễn dịch suy yếu
- Mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD)
Bạn có thể bỏ qua các triệu chứng của ung thư cổ tử cung cho đến khi nó tiến triển. Các triệu chứng có thể bao gồm:
- Đau khi quan hệ tình dục
- Chảy máu âm đạo bất thường, chẳng hạn như sau khi quan hệ tình dục, giữa các kỳ kinh, sau khi mãn kinh hoặc sau khi khám phụ khoa
- Tiết dịch âm đạo bất thường
Ung thư cổ tử cung có thể ngăn ngừa không?
Chìa khóa để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung xâm lấn là phát hiện sớm những thay đổi của tế bào cổ tử cung, trước khi chúng trở thành ung thư. Xét nghiệm Pap là cách tốt nhất để làm điều này. Các chuyên gia khuyến nghị lịch tầm soát sau:
- Làm xét nghiệm Pap 3 năm một lần khi bạn 21 tuổi trở lên.
- Nếu bạn từ 30 đến 65 tuổi, bạn có thể làm cả xét nghiệm Pap và xét nghiệm vi rút gây u nhú ở người (HPV) 5 năm một lần. Ngoài độ tuổi đó, bạn có thể ngừng xét nghiệm nếu bác sĩ cho biết bạn có nguy cơ mắc bệnh thấp.
- Phụ nữ ở mọi lứa tuổi không cần sàng lọc nếu họ đã cắt bỏ cổ tử cung và không có tiền sử ung thư cổ tử cung hoặc các tổn thương tiền ung thư.
- Nếu bạn đang hoạt động tình dục và có nguy cơ mắc STD cao hơn, hãy đi xét nghiệm chlamydia, bệnh lậu và giang mai mỗi năm. Hãy làm xét nghiệm HPV hàng năm hoặc thường xuyên hơn nếu bạn có nguy cơ cao.
Ngoài ra, giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung bằng cách thực hiện các biện pháp ngăn ngừa các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, như sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục và không nên quan hệ tình dục không an toàn. Không hút thuốc lá, nếu bạn hút thuốc hãy tìm cách bỏ/cai vì thuốc lá gây gia tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung.