TORCH – NGUY HIỂM CHO THAI NHI HOẶC GÂY TAI BIẾN SẢN KHOA
Nhiễm T.O.R.C.H là gì?
T.O.R.C.H – là chữ viết tắt của các bệnh nhiễm trùng từ mẹ có thể truyền và gây các bệnh nguy hiểm cho thai nhi hoặc gây tai biến sản khoa. Bao gồm:
TO: Toxoplasma gondii
R: Rubella
C: Cytomegalovirus (CMV)
H: Herpes simplex virus (HSV)
Chữ O cũng còn được hiểu như “Other” để chỉ một số bệnh khác như: Treponema pallidum (giang mai), Hepatitis B virus (viêm gan B), Hepatitis B virus (viêm gan E), Coxsackie virus, Epstein-Barr virus (EBV), Human Parvovirus (HPV), Human immunodeficiency virus (HIV), Varicella zoster virus (thủy đậu),…
Các bệnh nhiễm TORCH phổ biến hiện nay
1. Toxoplasma gondii
T. gondii là kí sinh trùng nội bào, vật chủ chính là mèo, có thể ký sinh ở một số động vật máu nóng khác. Nguồn lây nhiễm chủ yếu là do ăn phải thịt chưa chín kỹ hoặc các bào tử do mèo thải ra môi trường. Triệu chứng nhiễm T. gondii bao gồm: nhức đầu, nổi hạch, đau cơ hoặc thay đổi hành vi. Cần chú ý nhất là phụ nữ mang thai bị nhiễm T. gondii tiên phát. Các bệnh lý ở trẻ bị nhiễm T. gondii gồm: tổn thương thị giác và tật thị giác, chậm phát triển trí tuệ. Thai phụ nhiễm T. gondii có thể bị sảy thai.
2. Rubella virus
Bệnh Rubella còn được gọi là bệnh sởi Đức (German measles), gây ra do virus Rubella. Nhiễm virus Rubella được lây truyền qua không khí, truyền từ người này sang người khác qua đường hô hấp. Có khoảng 25 đến 50% số người bị nhiễm virus Rubella không có bất kỳ triệu chứng nào. Ở thai phụ, nhiễm virus Rubella có thể gây hội chứng Rubella bẩm sinh ở trẻ sinh ra (gặp ở 50-85% số thai phụ nhiễm Rubella 3 tháng đầu của thai kỳ), bao gồm: chậm phát triển, tật nhỏ đầu, đục thủy tinh thể, bệnh tim bẩm sinh, điếc, chậm phát triển trí tuệ. Thai phụ nhiễm Rubella có thể bị sảy thai.
3. Cytomegalovirus (CMV)
Cytomegalovirus còn được gọi là virus Herpes 5 ở người (HHV5) thuộc họ virus Herpes. Nhiễm CMV thường không có triệu chứng rõ rệt, có thể đau họng, sốt kéo dài, tăng bạch cầu đơn nhân, đôi khi viêm gan nhẹ. Ở phụ nữ mang thai, nhiễm CMV tiên phát có thể lây nhiễm cho thai nhi, gây các hậu quả cho trẻ như thiếu cân, đầu nhỏ, co giật, phát ban xuất huyết, gan lách to vừa, vàng da, có thể tử vong. Các biến chứng muộn ở trẻ nhiễm CMV gồm: giảm thính giác, giảm thị lực và chậm phát triển trí tuệ.
Biến chứng nặng nề ở thai nhi khi mẹ nhiễm trùng TORCH
Theo ước tính, có khoảng 5% – 10% các ca nhiễm trùng T. gondii trong thời gian mang thai dẫn đến hư thai, sẩy thai; 8% – 10% sinh con bị dị tật não và tổn thương thị giác nghiêm trọng; 10% – 13% bị khiếm thị.
Rubella cũng là bệnh khá phổ biến ở Việt Nam, trong ba tháng đầu thai kỳ, nếu người mẹ bị nhiễm virus Rubella thì có đến 90% trẻ sinh ra sẽ bị dị tật, thường là bị mù lòa, điếc, dị tật tim bẩm sinh, chậm phát triển trí tuệ và nguy hiểm hơn có thể gây sẩy thai.
Hai nhóm nhiễm trùng CMV và HSV đều có thể gây ra các dị tật cho trẻ sơ sinh, thậm chí có thể khiến thai nhi bị tử vong trong bụng mẹ và nhiều hậu quả nguy hiểm khác.
Làm gì để phòng tránh?
Đối với dạng nhiễm trùng TORCH, trong nhiều trường hợp, thai phụ dường như hoàn toàn khỏe mạnh, không có biểu hiện triệu chứng hoặc nếu có triệu chứng thì cũng không điển hình (dễ nhầm lẫn với các bệnh cảm cúm, phát ban thông thường…), vì thế, thai phụ không biết thai nhi đang ở trong hoàn cảnh hiểm nghèo.
Để tầm soát và phòng tránh bệnh, phụ nữ nên tới bệnh viện làm các xét nghiệm tầm soát nhóm nhiễm trùng TORCH trước khi mang thai và trong ba tháng đầu thai kỳ, đây là cách hiệu quả nhất để giảm thiểu tỷ lệ rủi ro dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng. Ngoài ra, tất cả phụ nữ ở độ tuổi sinh nở nên đi xét nghiệm kiểm tra và tiêm phòng trước khi mang thai nhằm đảm bảo sự phát triển thể chất và trí não của trẻ.
Xét nghiệm tầm soát TORCH ở đâu?
Xét nghiệm tầm soát nhiễm trùng TORCH hiện nay có thể được thực hiện một cách dễ dàng tại hầu hết các bệnh viện, trung tâm sản khoa trên khắp Việt Nam. Tầm soát nhiễm bộ TORCH chủ yếu tập trung vào những xét nghiệm sau:
- Toxoplasma gondii IgM, IgG
- Rubella IgM, IgG
- CMV IgM, IgG
Xét nghiệm TORCH có lợi ích gì?
Lợi ích cho thai phụ, gia đình và cộng đồng
- Không xâm lấn, không gây hại cho thai phụ và thai nhi.
- Cơ hội sinh con khỏe mạnh nhiều hơn.
- Giảm lo lắng về khả năng sinh con bị dị tật.
- Giảm chi phí cho gia đình và xã hội.
- Góp phần cải thiện chất lượng dân số.
*Xét nghiệm TORCH chỉ mang tính sàng lọc các nhóm có nguy cơ cao với bệnh, thai phụ cần thăm khám theo hướng dẫn và tư vấn của bác sĩ để có thêm các biện pháp chẩn đoán nếu kết quả tầm soát thuộc nhóm nguy cơ cao.