Lợi ích khi lưu giữ tế bào gốc
Cất giữ tế bào gốc dây rốn là một biện pháp bảo đảm tương lai sức khỏe cho con bạn và gia đình bạn. Không ai biết trước một em bé sinh ra khi lớn lên có thể mắc bệnh gì. Nếu các tế bào gốc từ dây rốn của con bạn được cất giữ, sau này khi cần tế bào gốc để chữa bệnh thì đây sẽ là các tế bào gốc phù hợp nhất với con bạn, vì chúng là các tế bào của chính cơ thể con bạn nên khi dùng để điều trị thì cơ thể sẽ không sinh ra phản ứng miễn dịch thải bỏ các tế bào này. Kết quả là nếu được điều trị bằng tế bào gốc của chính mình thì con bạn sẽ không phải dùng các thuốc ức chế miễn dịch để duy trì tế bào ghép.
Như vậy sẽ vừa an toàn vừa không tốn kém tiền mua thuốc ức chế miễn dịch để duy trì tế bào gốc ghép. Hơn thế nữa nếu gia đình bạn có người mắc bệnh cần tế bào gốc để điều trị thì khả năng phù hợp giữa người bị bệnh và mẫu tế bào của con bạn sẽ cao hơn so với mẫu tế bào lấy của người không cùng huyết thống, vì sự phù hợp hay không phù hợp giữa người nhận và các tế bào ghép được quyết định bảo các yếu tố di truyền, nên người thân trong gia đình thường phù hợp hơn so với người ngoài. Do đó mẫu tế bào gốc của con bạn cũng cho khả năng cao hơn khi sử dụng để điều trị cho các thành viên khác trong gia đình.
CÁC CÂU HỎI THƯỜNG GẶP
Tế bào gốc là gì?
Tế bào gốc là tế bào còn non trẻ, có khả năng tự thay mới mình và biệt hóa thành các tế bào chuyên biệt khác để tạo nên các mô, cơ quan khác nhau của cơ thể và thay thế cho các tế bào ở các mô, cơ quan bị mất đi do già và chết tự nhiên hoặc bị tổn thương vì các nguyên nhân khác.
Tế bào gốc nằm ở đâu trong cơ thể?
Trong cơ thể các tế bào gốc được cất giữ tại các vị trí đặc biệt được gọi là “ổ” tế bào gốc. Ổ tế bào gốc nằm rải rác ở khắp các mô và cơ quan trong cơ thể. Từ đây, các tế bào cứ đều đặn (hoặc tăng tốc khi có nhu cầu như sau nhiễm trùng hay chấn thương) tăng sinh và biệt hóa, cung cấp nguồn tế bào mới để tạo mô và giữ cho cơ thể luôn ở trạng thái cân bằng. Ổ tế bào gốc là những cấu trúc rất đặc biệt và khác nhau tùy theo ổ ấy nằm ở mô nào. Chúng có cấu tạo bao gồm các tế bào và phân tử có nhiệm vụ tạo ra một vi môi trường thích hợp cùng các tín hiệu cần thiết vừa bảo vệ tế bào gốc trước các tín hiệu gây chết tế bào theo chương trình từ bên ngoài lọt vào, vừa điều phối hoạt động đều đặn hay tăng tốc của chúng khi cần, đồng thời kiểm soạt không cho chúng phát triển quá mức dẫn đến ung thư.
Tại sao có thể dùng tế bào gốc để chữa bệnh?
Quá trình liền vết thương và phục hồi các thoái hóa/tổn thương của các mô, cơ quan trong cơ thể nhiều có chế phức tạp nhưng kết quả cuối cùng là tái lập lại các mô đã bị thoái hóa/tổn thương đó. Chính các tế bào gốc là lực lượng dự trữ được huy động để tái tạo các tế bào bị tổn thương đó. Ở các cơ thể còn trẻ, khỏe thì lượng tế bào gốc còn phong phú nên khả năng liền vết thương mạnh. Với các cơ thể già yếu thì lượng tế bào gốc cũng suy yếu nên không còn khả năng tự tái tạo dẫn đến các biểu hiện của tuổi già, suy các cơ quan hoặc không liền vết thương. Vì thế dùng tế bào gốc trong điều trị chính là đưa vào cơ thể các tế bào non trẻ để có thể tạo ra các loại tế bào mới, mô mới để bổ sung hoặc thay thế cho các tế bào và mô cơ quan bị tổn thương hay mất chức năng.
Các tế bào gốc máu dây rốn có thể dùng để chữa được bệnh gì?
Cho đến này các tế bào gốc máu dây rốn đã được dùng để điều trị trên 70 bệnh khác nhau thuộc 3 nhóm bệnh chính. Nhóm thứ nhất chiếm đa số là các bệnh ung thư máu thuộc các dòng tế bào bạch cầu hay u lympho; tiếp theo là các bệnh di truyền (của hồng cầu, của hệ thống miễn dịch và các bệnh về rối loạn chuyển hóa); thứ ba là các bệnh lý ung thư không do di truyền như suy tủy, thiếu máu nặng…