Áp lực quá tải bệnh viện – chuyện không chỉ của ngành y
Phát biểu tại tọa đàm “Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh: Trách nhiệm, thách thức và sẻ chia” do báo Nhân dân, Bộ Y tế phối hợp tổ chức, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh thừa nhận, nổi cộm nhất vẫn là vấn đề quá tải bệnh viện. Nguyên nhân cơ bản là do năng lực chuyên môn kỹ thuật của tuyến dưới còn yếu và không đồng đều, chất lượng khám chữa bệnh tuyến dưới còn hạn chế.
GS-TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong năm qua cơ sở này đã tập trung vào cải cách hoạt động của Khoa Khám bệnh như: Triển khai nhiều cửa tiếp đón, từ 10 cửa thường quy, đến 28 cửa khi cao điểm; Xây dựng tiêu chuẩn ISO tại khoa khám bệnh, chỉ rõ vị trí làm việc của mỗi cán bộ; Áp dụng công nghệ thông tin để kết nối giữa Khoa Khám bệnh và các khoa cận lâm sàng, triển khai chuyển mẫu tự động. Tuy nhiên, lượng người bệnh đến vẫn ngày một đông, khoảng 1,3 triệu người mỗi năm, tăng gấp đôi so với những năm trước. Dù bệnh viện đã mở rộng cơ sở và tăng cường nhân lực cũng không đáp ứng hết nhu cầu của người bệnh.
Viện Huyết học Truyền máu Trung ương xây dựng có công suất 300 giường bệnh, thực tế có tới 800 bệnh nhân nằm viện, không thể tránh tình trạng nằm ghép. Giám đốc Nguyễn Anh Trí cho biết: “Viện chưa kịp quyết toán xây dựng thì đã có nhu cầu cơi nới, ngân sách khó khăn, chật vật”.
Cũng chung thực trạng là bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh. Giám đốc bệnh viện, TS Nguyễn Trường Sơn, cho biết, áp lực quá tải đè nặng dù đã áp dụng các biện pháp giảm tải. Chợ Rẫy là bệnh viện hạng đặc biệt của Bộ Y tế, tuyến cuối của 24 tỉnh, thành phố phía nam. Trung bình một năm cơ sở này điều trị gần 1,5 triệu lượt bệnh nhân nội và ngoại trú.
Tuy vậy, vị giám đốc BV Chợ Rẫy cũng thừa nhận, thời gian chờ đợi của bệnh nhân từ lúc khám chữa bệnh đến khi nhận kết quả vẫn còn lâu. “Qua đường dây nóng của bệnh viện, 1/3 ý kiến người bệnh phản ánh sao chờ lâu quá. Nhưng rất mong người bệnh thông cảm, bệnh viện Chợ Rẫy cũng có tới 20 cửa khám chữa bệnh nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu”, ông Sơn cho biết.
Để giải quyết tình trạng này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, ngành y tế đã đưa ra bảy nhiệm vụ trọng tâm, trong đó xác định giảm tải là nhiệm vụ hàng đầu. Theo Bộ trưởng, trong tương lai, các bệnh viện tuyến cuối sẽ được đầu tư 20 nghìn tỷ đồng.
Theo Báo Sức khỏe và Đời sống