Hiểu biết về cúm A/H7N9: Cảnh giác nhưng không hoang mang
H7N9 ở đâu ra, có gì đặc biệt
Cúm A có kháng nguyên bề mặt Hemagglutinin (ký hiệu H) và enzym đặc hiệu Neuraminidase (ký hiệu N), có tới 16 H (từ 1 16) và 9 N (từ 1 – 9). Khi chỉ một chủng cúm A cụ thể thường cho con số vào sau chữ N, H.
H7N9 là loại virut có bộ gen pha tạp giữa H7N3 trên vịt, H9N2 trên chim sẻ và H7N9 trên chim hoang dã, bởi vậy trong tương lai do sự pha tạp này mà không loại trừ khả năng sẽ xuất hiên thêm các chủng cúm mang các số hiệu H và N khác nữa. Hiện nay, H7N9 gây bệnh cho người là chuyện hoàn toàn mới nhưng thực ra chủng H7N9 đã được các nhà khoa học biết trước đó vì nó đã từng tìm thấy ở chim.
Chim và người khác biệt về loài nên H7N9 khó xâm nhập vào tế bào người. Tuy nhiên, ở các tế bào đường hô hấp trên của người lại có các thụ thể giống với thụ thể loài chim, nên qua tiếp xúc, H7N9 có thể xâm nhập đường hô hấp gây bệnh cúm cho người.
Theo WHO, trước đây đã từng xuất hiện chủng H7N7 biến thể lây từ người sang người ở Hà Lan nhưng với chủng H7N9 thì chưa phát hiện đường lây từ người sang người. Tuy nhiên, TS Keiji Fukuda, trợ lý Giám đốc WHO vẫn đưa ra cảnh báo: “Hiện chưa thấy H7N9 lây từ người sang người song biến thể của nó thì cũng có thể có đường lây này”. Bởi vậy, chúng ta cần theo dõi đường lây một cách chặt chẽ, cảnh giác với khả năng xấu nhất có thể xảy ra là H7N9 lây từ người sang người.
Trước đây có trường hợp nhiễm virut cúm A mang kháng nguyên H7 ở người, gây triệu chứng giống cúm nhẹ hay viêm kết mạc nhưng chưa bao giờ thấy nhiễm H7N9 trên người. Các trường hợp nhiễm H7N9 trên người ở Trung Quốc hiện nay là phát hiện lần đầu tiên. Vì mới xuất hiện lần đầu nên con người chưa sẵn có kháng thể hình thành tự nhiên, nên nhiễm H7N9 dễ chuyển sang nặng với tỷ lệ tử vong cao. Tính đến ngày 19/4, tổng số người mắc (có xác nhận tìm thấy H7N9) là 82, trong đó có 17 tử vong chiếm 20,70%; từng thời kỳ tỷ lệ bị bệnh nặng là 50 – 58%, nhẹ chỉ chiếm 1,2 – 23,7%.
Điểm đột biến trên gen mã hóa H là làm tăng khả năng kết hợp của H7N9 với các thụ thể trên người giống loài chim là nằm ở các tế bào đường hô hấp trên (mũi, họng). H7N9 từ chim có thể phát tán vào không gian rồi thâm nhập vào đường hô hấp trên ở người, gây bệnh. Đây có thể là lý do làm cho việc xác định vật chủ gây nhiễm H7N9 ở Trung Quốc rất khó khăn, vì có hơn 40% người bệnh là không tiếp xúc với chim. Quan trọng hơn, đây là yếu tố làm cho H7N9 có thể chuyển thành đại dịch. Loại chim di trú có thể gây ra đại dịch kiểu này. Điều đáng mừng là vừa qua, Trung Quốc và WHO đã kiểm tra và có kết luận là chưa thấy loài chim di trú nhiễm H7N9.
Thuốc có ý nghĩa như thế nào với H7N9?
Các thuốc kháng cúm có cơ chế ức chế enzym đặc hiệu N như oseltamivir (bd: tamiflu) và zanamivir (bd: relenza) hiện có sẵn, Bộ Y tế cũng có nguồn dự trữ tamiflu dồi dào. Bộ gen H7N9 có khả năng cảm thụ với các thuốc này nên có thể dùng chúng điều trị cho người nhiễm H7N9. Trung Quốc đã dùng các thuốc này có hiệu quả. Như vậy không lo không có thuốc hay thiếu thuốc điều trị H7N9.
Theo kinh nghiệm dùng với cúm H1N1, H5N1 trước đây thì thuốc chỉ có hiệu lực khi dùng sớm trong vòng 48 giờ kể từ khi bị sốt cao (bệnh sẽ bị đẩy lùi sớm, không có cơ hội chuyển sang biến chứng). Thuốc không có tác dụng với cúm biến chứng, bởi vậy nếu dùng muộn khi cúm đã chuyển qua biến chứng là không có hiệu quả. Hiển nhiên khi dùng điều trị H7N9 ta áp dụng kinh nghiệm này nhưng điều đáng lo là nhiễm H7N9 có khi không có triệu chứng rõ ràng.
Do vậy, người tiếp xúc với chim và gia cầm, người đã đến vùng bị cúm H7N9 trở về mà bị sốt cao, người bị cúm mà thấy có các biểu hiện bất thường như sốt cao, tức ngực, khó thở (cúm mùa thông thường chỉ sốt nhẹ, không có các biểu hiện này), thì cần đến ngay các khoa lây của bệnh viện tỉnh để được chẩn đoán, cho dùng thuốc nếu cần, hơn nữa ở đó có trang thiết bị (như máy thở) sẽ cấp cứu tốt hơn khi có biến chứng nặng.
H7N9 là chủng cúm nguy hiểm bởi có thể gây nên biến chứng nặng tử vong cao song cũng khó có thể chuyển thành đại địch vì cho đến nay vẫn chưa tìm thấy việc lây từ người sang người và sự có mặt của chúng trong loài chim di trú. WHO khẩn trương hợp tác với Trung Quốc để tìm ra nguyên nhân, giải pháp phòng chống song WHO cũng đưa ra lời khuyên trong mỗi cộng đồng là “không hoảng sợ”.
Theo DS. Bùi Văn Uy (Sức khỏe & Đời sống)