TẦM QUAN TRỌNG VÀ Ý NGHĨA CỦA VIỆC KHÁM SỨC KHỎE ĐỊNH KỲ
Khám sức khỏe định kỳ là biện pháp tối ưu nhất giúp phát hiện kịp thời các vấn đề của cơ thể để đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất nhằm giảm thiểu tối đa những biến chứng nguy hiểm của bệnh, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian điều trị. Vậy bạn cần lưu ý những gì khi khám sức khỏe định kỳ?
Theo quy định của Luật lao động, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động hàng năm. Đây được xem là một trong những quyền lợi mà người lao động được hưởng khi làm việc tại Doanh nghiệp. Mặt khác, việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ cũng giúp Doanh nghiệp nắm được tình trạng sức khỏe người lao động từ đó bố trí công việc phù hợp giúp giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
Danh mục các nội dung cần khám được quy định trong “Thông tư 14/2013/TT-BYT”
Những nội dung này bao gồm:
- Thực hiện kiểm tra đo huyết áp, cân nặng, chiều cao.
- Chụp X – quang tim phổi.
- Khám nội tổng quát.
- Siêu âm tổng quát ổ bụng.
- Kiểm tra thị lực, răng, lợi.
- Kiểm tra các bệnh lý Tai – Mũi – Họng.
- Kiểm tra sản phụ khoa (dành cho đối tượng là nữ giới).
- Xét nghiệm máu.
- Xét nghiệm nước tiểu.
Ngoài ra đối với các đối tượng người lao động đặc thù khác, ví dụ như lái xe thì có 1 số yêu cầu đặc biệt như: phải kê khai rõ chi tiết tiền sử bệnh và các loại thuốc đang dùng và được khám về tâm thần, thần kinh, mắt, tai-mũi-họng, tim mạch, hô hấp, cơ xương khớp… Ngoài ra cần thực hiện các xét nghiệm bắt buộc như: Xét nghiệm ma túy (test Morphin/Heroin, Amphetamin, Methamphetamin, Marijuana (cần sa), Xét nghiệm nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở; và làm thêm điện tâm đồ đối với nhân viên là lái xe trên 50 tuổi.
Nội dung khám sức khỏe cho tài xế căn cứ theo: Phụ lục số 02 mẫu giấy khám sức khỏe của người lái xe (Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT giữa Bộ Y tế và Bộ giao thông vận tải ban hành 21/08/2015 quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô)
Trước khi thực hiện khám sức khỏe, bạn cần ghi nhớ thật kỹ những lưu ý sau:
- Nên nhịn ăn ít nhất là 6 – 8h trước khi thực hiện các loại xét nghiệm máu, nước tiểu,…vì nếu bạn ăn trước khi làm xét nghiệm thì kết quả của một số xét nghiệm có thể bị ảnh hưởng. Như vậy lấy mẫu xét nghiệm vào buổi sáng trước khi ăn sáng là phù hợp nhất.
- Khi đi khám sức khỏe bạn hãy nói chi tiết tình trạng cơ thể hiện tại và các loại thuốc đang sử dụng của mình với bác sĩ để bác sĩ có các cơ sở để đưa ra chẩn đoán chính xác.
- Khi có các biểu hiện bất thường trong thăm khám hay kết quả xét nghiệm thì cần phải gặp bác sỹ để tư vấn tiếp.
Ý nghĩa của các xét nghiệm
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, thực hiện khám sức khỏe định kỳ giúp đánh giá, phát hiện bệnh lý để điều trị kịp thời được xem là giải pháp hàng đầu để bảo vệ tốt nhất sức khỏe mỗi người. Nhờ kết quả khám sức khoẻ định kỳ, mỗi cán bộ nhân viên sẽ có những điều chỉnh về dinh dưỡng, rèn luyện thể lực để duy trì sức khoẻ; cũng như giúp chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời những bệnh như: tiểu đường, xơ gan, ung thư, cao huyết áp, suy thận, các bệnh về tim mạch, rối loạn nội tiết và cả các rối loạn về tâm lý, thần kinh…
Nguồn nhân lực chính là tài sản quan trọng nhất của mỗi doanh nghiệp, kết quả khám sức khoẻ định kỳ giúp cho Công ty nắm được tình hình sức khoẻ của người lao động và đưa ra những định hướng nâng cao sức khoẻ và sắp xếp công việc phù hợp, đồng thời mang đến cho người lao động sự chăm sóc tốt hơn về sức khoẻ và tinh thần, tạo động lực giúp cán bộ công nhân viên gắn kết lâu dài, cùng xây dựng công ty ngày một phát triển hơn nữa.
Biên soạn bởi Mitalab